Bài test kỳ lạ của Steve Jobs và đức tính mà mọi nhà tuyển dụng đều muốn có ở bạn
Guy Kawasaki là một cựu kỹ sư công nghệ tại Apple. Trong một bài viết trên Quora với nội dung “What is your most memorable experience working with Steve Jobs?” (Tạm dịch: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn khi làm việc với Steve Jobs là gì), anh đã chia sẻ câu chuyện thú vị của mình.
Một ngày, Steve Jobs xuất hện ở phòng làm việc của tôi với một người lạ mặt mà tôi chưa gặp bao giờ. Ông ấy không thèm giới thiệu người đàn ông đó với tôi mà ngay lập tức hỏi: “Cậu có biết gì về một công ty có tên là Knoware không?” Tôi nói rằng sản phẩm của công ty đó rất nhàm chán, tầm thường và đơn điệu. Chúng không có gì đáng để so sánh với những sản phẩm chiến lược như Macintosh (một sản phẩm máy tính cá nhân của Apple). Công ty đó không phải là một mối lo ngại với Apple.
Sau khi nghe một tràng lời phê bình của tôi về Knoware. Steve nói: “Tôi xin giới thiệu với cậu đây là Archie McGill – CEO Knoware”.
Guy Kawasaki là một thiên tài công nghệ tại Apple. (Ảnh: CafeBiz)
Vậy là, tôi đã vượt qua bài kiểm tra IQ của Steve Jobs bằng việc thẳng thắn nêu ra nhược điểm của đối thủ. Nếu như tôi chỉ nói những điều tốt đẹp về một phần mềm không mấy nổi bật, Jobs chắc chắn sẽ đánh giá tôi là một người không trung thực, không có chính kiến và sự nghiệp của tôi có thể bị hạn chế hoặc thậm chí kết thúc tại đó.
Sau nhiều năm ở Apple, tôi nhận ra rằng làm việc với một “huyền thoại” như Steve Jobs chẳng dễ dàng và thoải mái gì. Ông luôn yêu cầu khắt khe với các nhân viên của mình cả về “tâm” và “tầm”. Nếu không đáp ứng được một yêu cầu bất kỳ nào trong số đó, bạn đều sẽ phải ra đi. Mặc dù khá căng thẳng và áp lực nhưng thời gian làm việc với Steve Jobs là trải nghiệm thú vị nhất mà tôi từng có. Ông liên tục đánh giá các nhân viên bằng cách hỏi về quan điểm của họ trong bất kỳ tình huống nào. Cuối cùng, tôi nhận ra một sự thật rằng: Để vượt qua tất cả những bài kiểm tra của Jobs, chúng tôi cần luôn trung thực. “Trung thực luôn mang lại sức mạnh tuyệt đối và bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về hậu quả của nó như khi bạn nói dối.”
Để vượt qua tất cả những bài kiểm tra của Jobs, chúng tôi cần luôn trung thực. (Ảnh: Think Marketing)
Có 3 lý do sau để bạn cần luôn luôn nói ra sự thật:
Thứ nhất, nói thật chính là thể hiện tính cách và trí thông minh của bạn
Có một thực tế rằng, trong xã hội rối ren và nhiều cạm bẫy như hiện nay, để nói ra sự thật, bạn cần một nội tâm mạnh mẽ. Khi bày tỏ quan điểm của mình, bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích hơn là thuận theo số đông, vậy nên, trung thực không bao giờ dành cho những kẻ yếu đuối và hèn nhát.
Hơn nữa, để phân biệt đâu là sự thật, đâu là dối trá, bạn cần có trí tuệ và chính kiến riêng của mình. Có một điều chắc chắn rằng một người không đủ kiến thức sẽ không bao giờ dám dũng cảm đứng ra bảo vệ chân lý. Anh ta chỉ có thể núp bóng sau người khác và luôn ngụy biện cho những sai lầm của mình. Thế nên, trung thực là một đức tính mà bất kỳ nhà quản lý tài ba nào cũng trông chờ ở nhân viên. Chỉ khi con người tin tưởng nhau, một nhóm hay một tổ chức mới chia sẻ thông tin một cách cởi mở và từ đó tạo ra những đột phá.
Thứ hai, bạn sẽ không bao giờ xây dựng được một mối quan hệ chân thành dựa trên sự dối trá
Nếu bạn nói cho ai đó rằng họ tốt chỉ để động viên, an ủi, thậm chí là để “lấy lòng” thì họ sẽ không bao giờ biết họ cần phải cải thiện những gì. Mối quan hệ của bạn có thể suôn sẻ, thuận lợi trước mắt, nhưng về lâu dài, họ sẽ không còn tin tưởng ở bạn nữa.
Thực ra, con người ai cũng muốn nghe sự thật. Vậy nên, nếu bạn luôn giữ một thái độ chân thành và muốn tốt cho người khác thì họ sẽ đón nhận những “lời nói thật khó nghe” của bạn một cách thoải mái và vui vẻ. Bạn sẽ không bao giờ xây dựng được một mối quan hệ chân thành dựa trên sự dối trá.
Ngoài ra, chân thành với cấp trên cũng mang đến cho bạn nhiều giá trị tốt. Mối quan hệ của bạn với họ sẽ bền vững hơn, và bạn không phải lo lắng về vấn đề “bị sếp gây khó dễ”.
Thứ ba, trung thực luôn dễ dàng hơn dối trá
Mọi thứ đều chỉ có một sự thật duy nhất. Vì vậy, trung thực luôn dễ dàng hơn là dối trá. Nếu bạn không trung thực, bạn sẽ luôn phải kiểm soát những gì mình nói. Thậm chí, bạn cũng cần phải có một “trí nhớ siêu phàm” để ghi nhớ hết thảy những lời mình đã nói nếu không muốn bị bóc mẽ. Và cuộc sống với đầy rẫy những điều đó sẽ khiến bạn mệt mỏi.
Hiểu Minh
BÌNH LUẬN
Các tin khác
- Bài học từ bi kịch mua thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam (26/09/2017 10:03)
- 3 Thuật Nhìn Người Tuyệt Đối Chính Xác Của Cổ Nhân. (25/09/2017 17:18)
- Do đâu mà giá iPhone ngày càng đắt? (25/09/2017 17:00)
- Công sáng lập là của Steve Jobs, nhưng lợi nhuận nghìn tỷ của Apple là nhờ vào “bậc thầy chuỗi cung ứng” Tim Cook (25/09/2017 15:27)
- Chiến thuật 99: Chiến lược giá cổ điển trong kinh doanh (25/09/2017 14:18)