Tin Công nghệ - Thời sự

Nhu cầu nhân lực sẽ giảm mạnh



 Nhu cầu nhân lực ngành sản xuất và công nghệ cao sẽ tiếp tục dẫn đầu trong năm 2013. Ảnh: T.BÌNH

Nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng giảm hơn 30%


Năm 2013, dù nhiều DN vẫn có nhu cầu tuyển lao động, song thực tế ngoài việc không đáp ứng trình độ thì có nhiều lao động “chê” không muốn làm một số công việc. Theo dự báo của Cục Việc làm sẽ chỉ có khoảng 50% sinh viên - học sinh sau khi được đào tạo có việc làm đúng với ngành nghề, còn lại phải làm việc trái ngành nghề, với mức thu nhập thấp. Nguyên nhân chính là do chưa có dự báo chính xác trong nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, dịch vụ giao dịch thị trường lao động, như tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động…

Năm 2013, kinh tế sẽ vẫn chưa phục hồi và các DN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Xu hướng tuyển dụng lao động ở một số ngành nghề cũng sẽ thay đổi. Đáng lưu ý, tình trạng người thất nghiệp (trung bình 5%) được cảnh báo sẽ tiếp tục gây khó khăn không nhỏ đối với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước.

Do sự suy thoái kinh tế, một số ngành lao động vốn là ngành “hot” đã có sự biến động rất lớn như nhóm ngành tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán, quản lý điều hành và hoạt động kinh doanh của DN. Báo cáo nhân lực trực tuyến do VietnamWorks công bố cho thấy từ đầu năm 2012 đến nay, ngân hàng - tài chính đã giảm 36% nhu cầu nhân lực và là 1 trong 5 ngành có mức giảm nhu cầu nhân lực nhiều nhất.

Tình trạng dư thừa nguồn cung lao động trong ngành ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trước xu hướng mua bán và sáp nhập ngân hàng. Đặc biệt, trước tình trạng thắt chặt hơn về chính sách và khi mức tăng trưởng của ngành ngân hàng dự báo chậm lại đồng nghĩa với việc lương, thưởng cho nhân viên sẽ không đạt được mức “đỉnh” như thời vàng son. Xét về mức độ tăng lương, nếu như năm 2011, ngân hàng có mức tăng 13% thì năm nay chỉ còn 12,3% và dự kiến sang năm 2013 sẽ còn 12%. Tương tự, với ngành dịch vụ tài chính con số này tương ứng 12% - 11,3% - 11,3%.

Cũng như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản cũng là 2 ngành được dự báo là sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng giảm lương, cắt thưởng, điều chuyển công việc, cắt giảm nhân sự do khó khăn về kinh doanh. Riêng ngành bất động sản, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục giảm khoảng 50% so năm 2012. Ngành xây dựng cũng không khá hơn là mấy với mức giảm 49%.

Xuất hiện nhiều mảng sáng

Trái với bức tranh ảm đạm của ngành tài chính - ngân hàng, khu vực sản xuất công nghiệp, dược phẩm và hóa chất được dự báo sẽ thu hút nhân lực trong thời gian tới. Trong năm 2013, ngành sản xuất và công nghệ cao sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc tăng lương (với mức tăng là 13,7%), kế đến là dược phẩm và hóa chất (13,1%). Đây cũng là những ngành không chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế và vẫn hoạt động khá ổn định trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nhiều DN vẫn sẵn sàng trả lương cao để thu hút nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Riêng trong quý I-2013, nhu cầu lao động sẽ tập trung vào lao động phổ thông (43%) cho các ngành sản xuất, chế biến như: Dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, xây dựng.

Theo dự báo của Cục Việc làm, năm 2013 tình hình kinh tế Việt Nam còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với chủ trương của Nhà nước, Chính phủ với các chương trình kích cầu sẽ giúp các DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong quý I-2013. Qua đó, nhu cầu nhân lực sẽ tiếp tục có nhiều biến động mới.

Cùng với dự báo về thị trường lao động trong năm 2013, Cục Việc làm cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể như huy động sự tham gia của tất cả các ngành, đoàn thể xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước, DN, trường đào tạo và xã hội vào công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế nghịch lý mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề. Đặc biệt là chú trọng hỗ trợ, phát triển DN vừa và nhỏ, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống để thu hút nhiều lao động.

Theo Báo Mới

BÌNH LUẬN

Các tin khác