Ngày 24-4-2014, TAND Tối cao tại Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ ba phiên xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Viện kiểm sát bảo lưu quan điểm truy tố
Tại phiên tòa, bị cáo Mai Văn Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines, tiếp tục phủ nhận vai trò của mình trong vụ án với lý do dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam đã khởi động từ trước, bị cáo chỉ kế thừa việc đã rồi.
Bị cáo Dương Chí Dũng nói lời sau cùng trong ngày thứ ba xét xử phúc thẩm Ảnh: TTXVN
Bị cáo Phúc khẳng định mình và bị cáo Dương Chí Dũng không đội trời chung thì không thể bàn bạc, làm chuyện gì được. Chối việc nhận tiền từ bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, bị cáo Phúc nêu việc bị cáo Sơn khai ra Hà Nội công tác vào hôm 29 Tết nhưng kết quả xác minh Sơn không đi chuyến bay vào ngày đó.
Dù không đưa ra các bằng chứng song đại diện VKSND Tối cao tái khẳng định: Lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn được củng cố bằng rất nhiều chứng cứ, lời khai của các nhân chứng khác. Về đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại, làm rõ những thông tin từ Nga và Singapore, VKSND Tối cao cho rằng các chứng cứ thu thập được đủ điều kiện chứng minh hành vi phạm tội. Còn vấn đề tương trợ tư pháp sau này có thể làm rõ thêm.
“Vụ án xảy ra từ năm 2008 nhưng đến 2012 mới được điều tra. Trong 4 bị cáo tham ô chỉ có 2 bị cáo thừa nhận tội. Chúng tôi ghi nhận quá trình điều tra rất trung thực, khách quan, không có sự mớm cung, ép cung” - VKSND Tối cao lý giải.
Bên cạnh đó, đại diện VKSND Tối cao không chấp nhận các quan điểm cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển từ các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn được mời tới tòa. “Mua một cục sắt cũ nát như thế đem về không biết đổ đi đâu mà lại không ai có tội, không ai chịu trách nhiệm thì vô lý quá!” - vị đại diện VKSND Tối cao lập luận.
Đại diện VKS nhấn mạnh bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh Hoon Seow - Giám đốc Công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M - đã thừa nhận có quan hệ với Dương Chí Dũng trước đó; thừa nhận đã tham gia cuộc khảo sát của cán bộ Vinalines tại Nga. Do đó, nhân vật này thừa nhận giá chào bán khi đó chỉ dưới 5 triệu USD, sau đó về Việt Nam thì bị đội giá lên 9,1 triệu USD.
Còn nhiều mâu thuẫn trong lời khai các bị cáo
Phần tranh tụng, đối đáp tại tòa đã diễn ra gay gắt giữa các luật sư, bị cáo và đại diện VKSND Tối cao. Vị chủ tọa liên tục phải cắt lời các luật sư, giải thích các luật sư nói ngắn gọn, trọng tâm, đề nghị cụ thể các vấn đề VKSND Tối cao tranh luận và đề nghị các luật sư không nhắc lại tình tiết vụ án…
Sau phần đối đáp của VKSND Tối cao, luật sư Trần Đình Triển cho rằng VKS không đọc kỹ bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow khi không trích rõ nội dung ông Goh khai: “Tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines, về việc mua bán ụ nổi 83M này”. Luật sư Triển nhấn mạnh không hề có chứng cứ thể hiện đoàn khảo sát đi Nga biết giá của ụ nổi 83M là dưới 5 triệu USD hay chỉ đạo của bị cáo Dũng, Phúc yêu cầu mua bằng được ụ nổi này qua Công ty AP.
Luật sư Triển khẳng định có thể chứng minh được việc một mình Trần Hải Sơn “ăn trọn” hơn 1,6 triệu USD. Bị cáo Sơn khai chưa từng liên hệ với ông Goh nhưng luật sư đưa ra được 9 văn bản, email trao đổi để cuối cùng đưa ra giá 9,1 triệu USD song không được VKSND xem xét.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp chất vấn VKSND đã “quên” các tài liệu luật sư Trần Đình Triển đưa ra, không phản bác mâu thuẫn giữa những lời khai của bị cáo Sơn về thời gian, địa điểm đưa tiền cho bị cáo Phúc. Trước những lập luận có phần gay gắt của luật sư, đại diện VKS thừa nhận có mâu thuẫn về thời gian và địa điểm đưa tiền và giành lại quyền đánh giá cho HĐXX.
Các bị cáo vẫn kêu oan
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Dương Chí Dũng nói: “Mong HĐXX cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan, nếu chưa xác đáng chứng cứ thì cho bị cáo giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có thể chờ đến một thời điểm nào đó làm sáng tỏ… Cho bị cáo được sống chờ đến ngày minh oan cho bị cáo”.
Bị cáo Mai Văn Phúc tiếp tục khẳng định mình bị oan, mong HĐXX xem xét cho bị cáo, người trọn đời gắn bó với ngành hàng hải. Mong HĐXX thật sự khách quan. Trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn đề nghị HĐXX xem xét giảm tội cho bị cáo, xét xử đúng người đúng tội, mong HĐXX xem xét cho bị cáo Dũng, Phúc thoát án tử hình.
Theo nld.com.vn
BÌNH LUẬN
Các tin khác
- Đàm phán tiền lương khi nhận việc (25/04/2014 09:36)
- Tình trạng trộm cắp iPhone, iPad gia tăng tại Mỹ (07/04/2014 09:23)
- 79% người sử dụng smartphone mua sắm trên điện thoại (07/04/2014 09:20)
- Xiaomi sánh vai Apple và Samsung về smartphone bán chạy (07/04/2014 09:13)
- Gặp người đàn ông hơn 24 năm viết thư thuê ở bưu điện Sài Gòn (19/02/2014 09:56)